25g đạm đậu nành mỗi ngày giúp ngừa bệnh tim

 Theo GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam, đối tượng mắc bệnh tim đang ngày càng trẻ, vì thế tự mỗi người nên thay đổi thói quen hàng ngày để phòng tránh.

- Độ tuổi mắc bệnh tim mạch ngày một giảm, nói cách khác, căn bệnh này đang “trẻ hóa”. Bác sĩ có thể nói rõ hơn về thực trạng này ?

Những năm trước đây, tim mạch thường là bệnh của người cao tuổi. Nhưng bây giờ tỷ lệ người trẻ mắc bệnh này ngày càng tăng cao. Rất có thể nó sẽ trở thành một “cơn đại dịch” nếu con số này không có dấu hiệu chậm lại. Thống kê gần nhất của Viện tim mạch Việt Nam cho thấy, cứ 4 người Việt Nam trên 25 tuổi thì ít nhất một người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Đây cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu Việt Nam cho những người trẻ dưới 30 tuổi và 30 - 40 tuổi.

- Đâu là nguyên nhân của sự trẻ hóa bệnh tim?

Điểm chung ở hầu hết các bệnh nhân là chế độ làm việc, ăn uống và nghỉ ngơi chưa hợp lý. Đa số làm việc phải ngồi nhiều, ít vận động, thường xuyên thức khuya. Chế độ ăn nhiều đồ dầu mỡ, thịt đỏ, thức ăn nhanh, uống nhiều rượu bia hoặc hút thuốc lá, thuốc lào... cộng thêm áp lực công việc lớn, gánh nặng gia đình, dẫn đến nhiều trường hợp đột quỵ đáng tiếc xảy ra. Không ít người gục ngã trên bàn làm việc, tuy được đưa vào viện kịp thời nhưng di chứng để lại khiến năng lực giảm sút.
 

 GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ thực trạng trẻ hóa bệnh lí tim mạch tại Việt Nam.
GS.TS.BS Đỗ Doãn Lợi chia sẻ thực trạng trẻ hóa bệnh lí tim mạch tại Việt Nam.

 

- Để hạn chế nguy cơ bệnh tim ở người trẻ, bản thân họ cần làm gì?

Chúng ta có thể chủ động phòng ngừa bệnh bằng những cách rất đơn giản như kiểm tra sức khoẻ định kỳ, thay đổi thói quen ăn uống và sinh hoạt có lợi cho tim mạch. Bên cạnh đó, mỗi tuần nên vận động thể dục ít nhất 4 ngày, thời gian 20-30 phút/ngày.

Về chế độ dinh dưỡng, người trẻ nên hạn chế ăn thịt đỏ; phủ tạng động vật - những thực phẩm chứa nhiều cholesterol; tránh ăn nhiều đồ dầu, mỡ; bổ sung nhiều rau xanh, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành, thực phẩm hoàn toàn không chứa cholesterol, giúp phòng ngừa và cải thiện các bệnh lí tim mạch.

- Vì sao đậu nành là thực phẩm đặc biệt tốt cho sức khỏe tim mạch?

Lâu nay đậu nành và chế phẩm như đậu hũ, sữa đậu nành đã quá quen thuộc với mọi người. Đậu nành không chứa cholesterol, tốt cho tim mạch. Ngoài ra, đạm đậu nành còn giảm cholesterol xấu, giảm xơ vữa động mạch, vốn là nguyên nhân gây ra nhiều bệnh lý tim mạch.


 Đậu nành có tác dụng làm giảm cholesterol xấu.
Đậu nành có tác dụng làm giảm cholesterol xấu.
 

- Bác sĩ có lời khuyên nào về việc sử dụng đậu nành như thế nào để tốt cho sức khỏe tim mạch?

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khuyến nghị dùng 25g đạm đậu nành mỗi ngày (tương đương khoảng 50-80g đậu nành) trong khẩu phần ăn ít chất béo bão hòa và cholesterol để giảm nguy cơ tim mạch. Cách bổ sung đạm đậu nành đơn giản nhất chính là ăn đậu hũ, tào phớ cũng như uống sữa đậu nành. Các loại sữa đậu nành đóng hộp hiện nay đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và tiện dụng, nên các bạn trẻ, người đi làm có thể mua dùng dễ dàng.

--------

PGS.TS Lê Bạch Mai - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia - cho biết: "Nghiên cứu từ Nhật cho thấy, người sử dụng 1,5 bữa ăn đậu nành so với người chỉ sử dụng 0,5 bữa ăn đậu nành có thể giảm 65% nguy cơ đột quỵ và 75% bệnh mạch vành. Sử dụng sữa đậu nành hàng ngày còn giúp giảm 5,3% cholesterol sau 3 tháng sử dụng. Hàm lượng cao insoflavone trong đậu nành có khả năng ngăn ngừa nguy cơ bệnh mạch vành và cả một số bệnh nan y khác như ung thư".

Để giúp tuyên truyền kiến thức phòng bệnh, Viện tim mạch khởi xướng chương trình “Sống vì trái tim chiến binh” với sự đồng hành của Công ty Sữa đậu nành Việt Nam Vinasoy. Độc giả có thể tìm hiểu giải pháp dinh dưỡng, khám tim mạch bằng cách truy cập http://www.traitimchienbinh.com/