Chuyên gia mách chế độ ăn uống, tập luyện giúp giảm 80% nguy cơ tim mạch

Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam khuyên mỗi ngày ăn 400g rau quả chín, 200g cá, 25g đạm đậu nành, tập 20 phút cardio... để bảo vệ tim mạch.
 
Tham gia buổi "Tư vấn trực tuyến chế độ dinh dưỡng, vận động giúp tim khỏe mạnh" diễn ra chiều nay trên VnExpress, các chuyên gia đầu ngành đã cung cấp cho độc giả nhiều bí quyết ăn uống và tập luyện phòng bệnh tim mạch.
 
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam kể tên các triệu chứng nhận diện bệnh tim như khó thở, hoa mắt, chóng mặt, trống ngực, đau, nhói, tức ngực, đặc biệt là khi gắng sức (đi bộ nhanh, lên cầu thang, lao động nặng...). Ông cũng tư vấn các cách vận động, bài tập cardio phù hợp với dân văn phòng và cuộc sống bận rộn ngày nay.
 
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng tư vấn cụ thể chế độ ăn uống thực dưỡng trái tim. Bác sĩ khuyên nên giữ trọng lượng cơ thể ở mức BMI 20-22 kg/m2; dùng chất béo hợp lý, hạn chế đường đơn, đường đôi (dưới 5% năng lượng cả ngày); ăn 400g rau xanh và quả chín; 25g đạm đậu nành; nêm dưới 5g muối mỗi ngày. Béo phì, thuốc lá, rượu nặng, thức khuya, stress... là những kẻ thù không đội trời chung với trái tim.
 
Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam:
 
Những triệu chứng thường gặp nhất của bệnh Tim đó là khó thở, đau, tức ngực, đặc biệt là khi người bệnh phải gắng sức. Ví dụ: đi bộ nhanh, lên cầu thang, lao động nặng.
Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam.
 
- Kính thưa các giáo sư, tiến sĩ và chuyên gia, tôi năm nay 28 tuổi, có chế độ ăn uống tốt và thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao nhằm tăng cường vận động giúp cơ thể có khỏe mạnh. Tuy nhiên, trước và sau quá trình vận động mạnh, tôi muốn mình có thể bổ sung một lượng dinh dưỡng vừa đủ để đảm bảo cơ thể có đủ năng lượng. Rất mong nhận được sự tư vấn từ các chuyên gia (MaiQueen, 28 tuổi, HCM)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia:
 
Việc bạn có một chế độ vận động thường xuyên là rất tốt. Để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho quá trình vận động mạnh, bạn cần lưu ý:
 
Trước khi vận động mạnh, bạn nên cung cấp đủ năng lượng cần thiết. Tuy nhiên, năng lượng cần được bổ sung trước ba giờ vận động mạnh. Bạn có thể uống từng ngụm nước (nên là nước ngọt) nhỏ với lượng 100 - 150ml mỗi 15 phút một lần.
 
Sau khi vận động mạnh, để giữ khối cơ, ngoài chế độ ăn bình thường, bạn cần cung cấp thêm dinh dưỡng về chất đạm, đặc biệt, nếu có điều kiện, có thể cho đạm Whey. Bạn cần ăn đủ no với bữa ăn đa dạng. Bạn cũng cần bù đủ nước cho cơ thể. Nếu quá trình vận động ra nhiều mồ hôi, bạn có thể uống nước rau củ, hoa quả... hoặc có thể bù điện giải bằng orezol.
 
- Tôi là dân văn phòng, cả ngày ngồi làm việc ít vận động. Buổi tối cũng không có thời gian vì phải trông con. Tổi chỉ rảnh vào cuối tuần. Vậy tôi nên áp dụng chế độ vận động thế nào và thời gian nào thì hợp lý. Cảm ơn các chuyên gia (Nguyễn Thanh Hương, 36 tuổi, Hà Nội)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Cuộc sống hiện nay ai cũng bận bịu, nhiều người nói không có thời gian, điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng trong thực tế, nếu sức khỏe của chúng ta không tốt, thì hiệu quả công việc không cao do người lúc nào cũng mệt mỏi, đầu óc căng thẳng. Nếu chúng ta chỉ dành dù 5 phút, 10 phút để thư giãn, vận động ngay cả trong giờ làm việc, như đi lại, vận động chân tay, vươn người, tập thể dục thì ngay sau đó hiệu quả công việc cũng đã cao hơn.
 
Do vậy, chúng ta nên linh hoạt chủ động sáng tạo trong hoàn cảnh cuộc sống và công việc của mình để dành ít phút vận động thân thể để có sức khỏe và năng suất chất lượng công việc tốt hơn. Chỉ buổi sáng, trưa hoặc tối dành 10 phút đi bộ, tâp thể dục, dưỡng sinh là rất cần thiết cho sức khỏe thể lực và tinh thần.
 
- Tôi nghe nói uống sữa đậu nành, ăn dầu đậu nành thì tốt cho tim mạch nhưng không hiểu vì sao? Xin chuyên gia tư vấn giúp tôi trong đậu nành có vi chất gì giúp tim khỏe mạnh? Cảm ơn. (Vũ Thị Mai, 26 tuổi, 24/12/8 Võ Văn Tần, quận 3)
 
- Ông Ngô Văn Tụ - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đậu nành Việt Nam:
 
Chào bạn,
 
Theo khuyến nghị của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), dùng 25g đạm đậu nành mỗi ngày, cùng khẩu phần ăn có hàm lượng chất béo bão hòa và cholesterol thấp có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
 
100g đậu nành chứa đến 33-38g protein, cao gấp rưỡi lượng đạm trong thịt lợn. Đậu nành có hàm lượng đạm cao hơn thịt bò, không gây ra dị ứng sữa do không chứa đường lactose, lại có hàm lượng cao chất chống oxy hóa. Vì vậy, sử dụng đạm đậu nành thay cho đạm động vật vừa cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, vừa giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần và cholesterol xấu.
 
Nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng cho thấy, tiêu thụ 25g đạm đậu nành mỗi ngày, trong thời gian một tháng, giúp giảm 8,9mg cholesterol mỗi dl máu, nếu ăn 30g có thể giảm 17,4mg cholesterol. Điều này giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, đột quỵ.
 
Ngoài chất đạm có giá trị sinh học cao, đậu nành còn có lượng axit béo không no omega 3, omega 6 tốt cho sức khỏe tim mạch, phòng chống tăng huyết áp, bệnh mạch vành... 
 
Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam.
 
- Người bị bệnh tim mạch có nên tiêm ngừa bằng vắc xin không? Theo khuyến cáo thì các bệnh có thể phòng ngừa bằng tiêm chủng vắc xin rất dè dặn đối với trẻ hay người bị bệnh lý tim mạch. Vậy cơ sở nào để cho người bệnh tim mạch được tiêm ngừa đầy đủ bằng vắc xin? (Hoàng Trung Phong, 30 tuổi, Tân Phong, Biên Hoà, Đồng Nai.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Về cơ bản, tiêm vắc xin là rất cần thiết để phòng bệnh và những người mắc bệnh tim mạch cũng cần phải tiêm phòng như mọi người khác. Tuy nhiên, các bệnh tim mạch không bệnh nào giống bệnh nào, vì vậy, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ trước khi có ý định tiêm phòng vắc xin.
 
- Dùng đậu nành có thể làm giảm việc dùng các chất béo bão hòa và tăng nạp thêm chất xơ so với chế độ ăn bình thường có đúng không? (Thương Nga, 35 tuổi, Đồng tháp)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Đậu nành chứa 18,4g chất béo trong 100g đậu nành. Chất béo trong đậu nành có ưu điểm là giàu axit béo không no cần thiết mà cơ thể chúng ta không thể tổng hợp được như axit béo n3 và n6 (11,2g trong 100g đậu nành). Chất béo này giúp cho sự phát triển trí não và tốt cho tim mạch. Đậu nành chứa ít axit béo bão hòa (2,8g trong 100g đậu nành). Vì vậy, khi sử dụng đậu nành, bạn có thể bớt đi việc dùng các chất béo bão hòa giúp sức khỏe tim mạch được tốt hơn.
 
Ngoài ra, đậu nành còn chứa chất chống oxi hóa tự nhiên như vitamin E, phytosterols (161mg trong 100g đậu nành), isoflavon (151,2mg trong 100g đậu nành) có tác dụng tăng sức đề kháng, giảm cholesterol xấu và ngăn ngừa quá trình lão hóa. Vì vậy, trong bữa ăn có 25g protein đậu nành mỗi ngày sẽ giúp chế độ ăn cân đối hơn, tốt cho sức khỏe tim mạch.
 
- Tôi năm nay 30 tuổi, dạo gần đây thi thoảng cảm thấy nhói ngực nhẹ vài giây. Công việc của tôi là kinh doanh nên rất áp lực, tôi lo lắng về sức khỏe của mình. Mong các bác tư vấn giúp ạ? Đó có phải là dấu hiệu của bệnh tim rồi không? Cảm ơn. (Vũ Mai Xuân, 30 tuổi, Daklak)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Nhói ngực có thể do nhiều nguyên nhân, đặc biệt là do yếu tố thần kinh, stress. Nếu bạn cảm thấy nhói ngực nhẹ vài giây, có lẽ là do nguyên nhân trên. Dù sao, bạn cũng nên đi khám để có kết quả chính xác cho yên tâm về sức khỏe và có kế hoạch điều chỉnh chế độ làm việc, nghỉ ngơi, luyện tập hợp lý thì các triệu chứng đó sẽ bớt hoặc hết hẳn.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai - nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
 
- Với người mắc bệnh tim mạch thì sử dụng chế độ dinh dưỡng thế nào là hợp lý? (Lê Nguyễn Ngọc Diệp, 30 tuổi, TP HCM)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Tùy tình trạng bệnh lý, tuổi tác, cân nặng... người bệnh tim mạch sẽ được khuyến cáo chế độ ăn thích hợp nhất. Nhưng nói chung, người bệnh không nên: ăn quá mặn, mỡ động vật, các phủ tạng; nên hạn chế các chất bổ, đồ ngọt, bánh trái để tránh thừa cân, béo phì; hạn chế rượu bia. Nên tăng ăn các loại rau củ quả và cá.
 
- Với phụ nữ ở độ tuổi 40, xin phó giáo sư tư vấn chế độ ăn phù hợp có lợi cho tim mạch? (Hiếu Hạnh, 35 tuổi, quy nhơn)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Với người 40 tuổi ở mức độ lao động trung bình thì năng lượng khẩu phần nên đạt 2.000 kcal một ngày. Mức năng lượng này nên được chia ra tốt nhất là 4-5 bữa, trong đó, gồm bữa sáng, hai bữa chính (vào trưa và tối) và có thêm được hai bữa phụ vào giữa buổi sáng và giữa buổi chiều.
 
Mỗi bữa chính nên ăn khoảng hai bát cơm; bữa sáng chỉ nên một bát. Bạn nên ăn 400g rau và quả chín một ngày. Về các thức ăn cung cấp chất đạm, bạn nên ăn khoảng 80 - 100g thịt và khoảng 200g cá mỗi ngày. Với chất béo, bạn có thể dùng dầu thực vật và mỡ động vật, sao cho tổng lượng đạt 15 - 20 ml mỗi ngày. Ngoài ra, ở các bữa phụ, bạn có thể bổ sung các thực phẩm như quả chín hoặc sữa.
 
Ở độ tuổi 40, bạn nên cung cấp cho bản thân ba đơn vị sữa một ngày (một đơn vị sữa tương đương 100mg canxi như 15g phomai, một hộp sữa chua 100 ml hoặc 100ml sữa dạng lỏng). Ở độ tuổi này, lượng hooc-mon nữ cũng đã bắt đầu suy giảm, vì vậy, bạn nên lựa chọn sữa đậu nành, một thức uống giàu oestrogen thực vật sẽ giúp kiểm soát huyết áp, những cơn bốc hỏa hoặc thậm chí là sự nổi nóng vô cớ. Bạn nên lựa chọn sữa ít ngọt sẽ tốt hơn cho sức khỏe và tạo một thói quen ăn uống tốt.
 
- Tôi năm nay 33 tuổi, ăn uống nhiều rau xanh nhưng ít vận động. Tôi lo ngại về tim mạch đặc biệt là máu nhiễm mỡ. Nhờ các bác sĩ tư vấn giúp biện pháp hạn chế bệnh này đối với phụ nữ nói chung. Cảm ơn bác sĩ. (Cao Thị Mỹ Lệ, 33 tuổi, 61 Khu CN Đức Hòa, Long An.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Tuổi 33 còn rất trẻ, do vậy việc luyện tập là hết sức cần thiết. Phụ nữ cũng có nhiều nguy cơ bị bệnh tim mạch ngang với nam giới, nên ngoài việc ăn nhiều rau, hoa quả thì vẫn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, cân đối về chất bột, chất đạm. Về luyện tập, bạn có thể đi bộ, đạp xe đạp, tập aerobic, tập bơi, nhất là bài tập Cardio. 
 
Nên bắt đầu luyện tập từ từ, tăng dần dần về thời lượng và cường độ để sau vài ba tháng, bạn có thể đi bộ nhanh, chạy nhẹ hoặc thực hiện bài Cardio 20 phút mỗi ngày.
 
- Trước giờ nhà tôi hay uống sữa đậu nành bán dạo trong xóm. Gần đây, tôi thường nghe có sữa đậu nành biến đổi gen. Là người bình thường, tôi không phân biệt được sữa nào là tốt và sữa nào không tốt. Tôi biết sữa đậu nành tốt cho tim mạch. Xin các chuyên gia cho tôi lời khuyên? (Nguyễn Thị Ninh, 45 tuổi, quận 3, TP HCM)
 
- Ông Ngô Văn Tụ:
 
Theo nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Đậu nành Quốc gia Mỹ (NSRL) - Đại học lllinois, dùng 400ml sữa đậu nành hoặc ít nhất 7,4g đạm đậu nành mỗi ngày có thể giảm đến 75% nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Uống sữa đậu nành hàng ngày là thói quen tốt cho sức khỏe bản thân và gia đình mà bạn nên duy trì.
 
Hiện trên thế giới, các chuyên gia vẫn đang tranh cãi đậu nành biến đổi gen có gây hại cho sức khỏe con người hay không. Song tại nhiều nước như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)..., các nhà sản xuất chỉ sử dụng đậu nành không biến đổi gen. Tại Việt Nam, Công ty Sữa đậu nành Việt Nam - Vinasoy là một trong những doanh nghiệp dùng 100% đậu nành không biến đổi gen trong sản xuất các sản phẩm.
 
Bạn có thể tự chế biến hoặc mua sữa đậu nành nhưng cần phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất, đảm bảo quy chuẩn chất lượng và an toàn vệ sinh.
 
- Ăn uống và vận động như thế nào để không bị bệnh tim mạch? Tôi không có tiền sử bệnh tim nhưng gần đây thấy đi lại nhiều bị thở dốc? Xin tư vấn giúp tôi. Cảm ơn! (Lê Văn Thịnh, 54 tuổi, 64 Nguyễn Trọng Tuyên, quận 5.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Trước tiên, nếu đi lại nhiều bị thở dốc thì bạn nên đi khám sức khỏe để có chẩn đoán chính xác nguyên nhân ở đâu: Bệnh tim mạch hay bệnh hô hấp hoặc một bệnh nào khác. Nếu không tìm được nguyên nhân thì có thể là do bạn ít vận động, cơ thể thích nghi kém với những hoạt động thể lực cường độ cao. Lúc này, bạn nên có kế hoạch để luyện tập đều đặn nhằm có sức khỏe tốt.
 
Ngoài ra, bạn cũng cần có chế độ ăn uống hợp lý để không bị thừa cân, béo phì. Đó cũng có thể là một nguyên nhân hạn chế sự vận động của bạn trong cuộc sống hàng ngày.
 
- Mẹ tôi năm nay 56 tuổi, huyết áp không được tốt. Huyết áp thấp thì vận động thế nào để giúp tim khỏe mạnh? Cảm ơn! (Minh Châu, 23 tuổi, 22 Nguyễn Công Trứ, quận 1.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Về cơ bản, huyết áp thấp thì không nguy hiểm bằng huyết áp cao. Nhưng huyết áp thấp có thể gây mệt, chóng mặt... Mẹ bạn nên được đo và kiểm tra huyết áp tại cơ sở y tế để xác định rõ huyết áp có thực sự thấp hay không. 
 
Để điều hòa huyết áp, việc luyện tập là hết sức cần thiết vì lúc đó cơ thể con người khỏe mạnh hơn, trương lực thành mạch tốt hơn và huyết áp sẽ bình ổn hơn. Tất nhiên, cần phải bắt đầu luyện tập một cách từ từ, tránh thay đổi tư thế đột ngột gây tụt huyết áp, dẫn đến choáng hoặc ngã.
 
- Tôi có cậu con trai năm nay lên lớp 9, cho tôi hỏi đậu nành liệu có làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cháu không, có làm cho cháu bị nữ tính đi không? (Yến Oanh, 37 tuổi, TP HCM)
 
- Ông Ngô Văn Tụ:
 
Tại hội thảo khoa học quốc tế "Dinh dưỡng đậu nành cho sức khỏe nam giới" tổ chức ngày 20/5/2015 ở TP HCM, các nhà khoa học từ Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam đã đưa ra các nghiên cứu mới nhất khẳng định đậu nành hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới, không gây nữ tính hóa ở phái mạnh. Vì vậy, bé trai có thể sử dụng được bình thường.
 
Thông tin truyền miệng đậu nành ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý nam giới xuất phát từ yếu tố đậu nành là thực phẩm giàu isoflavones hay còn gọi là phytoestrogen có cấu trúc gần giống estrogen của nữ, nên bị lầm tưởng sẽ ảnh hưởng đến nội tiết tố của nam. Song thực chất isoflavones không phải là estrogen.
 
Ngoài ra, isoflavone trong đậu nành còn giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt thường gặp ở nam giới. Người Nhật dùng nhiều thực phẩm từ đậu nành có chứa Isoflavones, đàn ông từ 15 tuổi trở lên tiêu thụ khoảng 76mg mỗi ngày. Tuy nhiên, đàn ông Nhật Bản lại có số lượng tinh trùng tương đương hoặc cao hơn so với đàn ông Bắc Âu. Một nghiên cứu khác cũng cho thấy nồng độ testosterone ở nam giới Nhật Bản cũng tương tự như nam giới Mỹ.
 
- Con tôi rất thích ăn thịt và trứng. Hầu như đó là chế độ ăn uống hàng ngày của bé. Xin Phó Giáo sư cho biết, nếu bé tiếp tục với chế độ này thì sẽ ảnh hưởng như thế nào cho sức khỏe tim mạch của bé? Làm thế nào để giúp bé ăn uống rau xanh nhiều hơn? (Vu Thi Ngoc Linh, 36 tuổi, Hà Nội)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Đối với trẻ em, trứng và thịt là nguồn protein rất tốt. Đặc biệt, trứng còn giúp cho trẻ phát triển não bộ. Tuy nhiên, một chế độ ăn thường xuyên như vậy không đảm bảo bữa ăn đa dạng và không thể cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển toàn diện của bé. Mặt khác, các chất béo bão hòa trong thức ăn động vật cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của hệ tim mạch. Vì vậy, bạn nên duy trì sự cân đối giữa chất béo động vật và thực là 70% :30% để tốt cho sức khỏe tim mạch.
 
Nguồn chất béo thực vật có giá trị sinh học cao và phù hợp về kinh tế là từ đậu nành và chế phẩm như đậu phụ, dầu và sữa đậu nành. Đậu nành không chỉ cung cấp nguồn chất béo quý mà còn giúp cân đối giữa việc cung cấp chất đạm từ nguồn động vật và thực vật. Đặc biệt, nguồn chất đạm từ đậu nành có chứa đầy đủ 9 axit amin cần thiết giúp cho trẻ phát triển khối cơ được tốt. 
 
Để giúp bé yêu thích món rau xanh, mẹ nên lựa chọn các loại rau và chế biến theo cách mà bé yêu thích. Mẹ có thể cho bé cùng tham gia vào việc chuẩn bị bữa ăn để bé thấy phấn khởi hơn khi thưởng thức món ăn do chính mình "chế biến". Đối với các loại rau củ, mẹ nên chọn nhiều màu sắc khác nhau để thu hút sự chú ý của bé. Bên cạnh đó, mẹ có thể cắt thành nhiều hình con thú khác nhau để tạo sự thích thú cho bé. Hy vọng với những cách như vậy sẽ giúp bé của mẹ ăn rau củ một cách dễ dàng và tự nguyện hơn.
 
- Thưa bác sĩ, em có câu hỏi cần tư vấn như sau. Lâu lâu em có hiện tượng đau và hơi nhói trong tim, nhưng đi kiểm tra tim vẫn bình thường. Về chế độ ăn uống, em hay ăn thời gian thất thường. Vậy chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng tới việc em lâu lâu nhói ở tim không ạ? Chế độ dinh dưỡng ăn một ngày khẩu phần như thế nào thì tốt ạ. Mong bác sĩ giải đáp giúp em ạ. Em cảm ơn. (Nguyễn Thị Thùy Trang, 23 tuổi, Thới An, quận 12.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Chế độ và thời gian ăn uống thất thường cũng có thể dẫn đến những rối loạn chức năng gây đau tức ngực do cơ chế thần kinh. Cảm giác đau ngực đó cũng có thể do đau thực quản, dạ dày, vì bạn có chế độ và thời gian ăn uống thất thường. Rất may là bạn đã ý thức được vấn đề đó và bây giờ nên có kế hoạch để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý về chất, về lượng và về thời gian.
 
- Nhà tôi có tiền sử bị huyết áp cao từ bố và ông nội, liệu tôi có nguy cơ bị không. Cần ăn uống tập luyện thế nào để giảm nguy cơ bị bệnh? (Vũ minh nguyệt, 27 tuổi, Hà nội)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Nếu ông nội và bố của bạn bị huyết áp cao thì bạn cũng có nhiều nguy cơ bị tăng huyết áp. Do vậy, bạn nên có kế hoạch điều chỉnh ngay từ trẻ: chế độ ăn hợp lý, chế độ luyện tập thường xuyên và chế độ làm việc nghỉ ngơi cân bằng. Với các biện pháp này, khoa học đã chứng minh là có thể giảm được nguy cơ mắc bệnh tới 70-80%. Chúc bạn thành công.
 
- Chuyên gia cho cháu hỏi mỗi ngày cháu đều tập gym là vận động rồi đúng không ạ? Vậy dinh dưỡng là ăn uống như thế nào là khoẻ cho tim ạ? Và ăn làm sao cho hợp lí với việc tập gym của cháu? (Ngọc Bảo Trinh)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Tập gym là một trong những hình thức vận động rất tốt. Ngoài vận động thường xuyên, một chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe và tim mạch cũng rất cần thiết. Vì vậy, bạn nên đảm bảo một số nguyên tắc sau:
 
Thứ nhất, bạn cần giữ trọng lượng cơ thể ở mức BMI từ 20 đến 22 kg/m2. 
 
Thứ hai, sử dụng chất béo hợp lý: đủ về số lượng, cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đặc biệt là đảm bảo đủ các axit béo không no cần thiết như n3, n6.
 
Thứ ba, bạn cần cung cấp đủ chất bột đường, chú ý hạn chế đường đơn, đường đôi (dưới 10% năng lượng cả ngày, tốt nhất là dưới 5%).
 
Thứ tư, bạn nên ăn đủ rau xanh và quả chín (400g một ngày), hạn chế ăn những quả quá ngọt như chuối, na, nhãn, vải...
 
Thứ năm, bạn không nên ăn mặn (dưới 5g muối một ngày).
 
Cuối cùng, bạn không lạm dụng rượu bia.
 
- Chào bác sĩ Lợi!
 
Do công việc, tôi thường xuyên thức khuya. Sáng dậy, thỉnh thoảng, tôi cảm thấy có gì đè nặng ở ngực. Khi đi khám sức khỏe, tôi nhận kết quả vẫn bình thường. Tôi mong bác sĩ tư vấn cách để phòng ngừa trường hợp bệnh tim mạch bởi tôi là trụ cột của gia đình. (Vũ Quốc Trọng)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Khi thức khuya, căng thẳng thần kinh, stress, chúng ta đều có thể bị các rối loạn chức năng, tức ngực do yếu tố thần kinh tim và khi khám thường không phát hiện bệnh lý, tổn thương ở tim. Nhưng nếu về lâu dài, những rối loạn chức năng đó có thể dẫn đến các bệnh lý như tăng huyết áp, xơ vữa động mạch và các bệnh lý tim mạch khác. Do vậy, bạn cần có kế hoạch để cân bằng giữa công việc và nghỉ ngơi. Nếu phải thức khuya do công việc thì bạn phải dành thời gian khác để bù cho giấc ngủ, cho luyện tập và cho chế độ ăn uống hài hòa.
 
- Kính gửi bác Lợi: Thỉnh thoảng tôi vẫn thấy mình khó thở khoảng 30 - 45 giây khi trở trời, không biết đó có phải dấu hiệu tim có vấn đề không bác? Cám ơn bác. (Giang Hồng, 32 tuổi, 872/12/3 Quang Trung, phường 8, Gò Vấp.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Ở nước ta, do khí hậu gió mùa, độ ẩm cao, ô nhiễm khói bụi, nhất là khi trở trời, gây co thắt phế quản và khó thở. 
 
Các triệu chứng này hay gặp ở người lớn tuổi hoặc ở những người có cơ địa dị ứng. Bạn nên đi khám sức khỏe để có chẩn đoán chính xác và có biện pháp dự phòng.
 
- Tôi bị yếu tim bẩm sinh, hay khó thở và mệt. Xin cho biết cần có chế độ ăn uống thế nào để giúp tim khỏe mạnh hơn? (Lương Linh, 33 tuổi, 24/12 nguyễn văn cừ, quận 1)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Bạn đang bị bệnh tim bẩm sinh nên hay bị khó thở và mệt là điều dễ hiểu. Đầu tiên, bạn cần lưu ý 5 điều. Thứ nhất, bạn cần giữ trọng lượng cơ thể ở mức BMI từ 20 đến 22 kg/m2. Thứ hai, sử dụng chất béo hợp lý: đủ về số lượng, cân đối giữa chất béo động vật và thực vật, đặc biệt là đảm bảo đủ các axit béo không no cần thiết như n3, n6. Thứ ba, bạn cần cung cấp đủ chất bột đường, chú ý hạn chế đường đơn, đường đôi (dưới 10% năng lượng cả ngày, tốt nhất là dưới 5%). Thứ tư, bạn nên ăn đủ rau xanh và quả chín (400g một ngày), hạn chế ăn những quả quá ngọt như chuối, na, nhãn, vải... Cuối cùng, bạn không lạm dụng rượu bia.
 
Ngoài chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch nói trên, bạn cần chú ý thêm một số điểm sau:
 
Bạn nên chia nhỏ bữa ăn thành 5-6 bữa một ngày. Mỗi bữa không nên ăn quá no vì bộ máy tiêu hóa sẽ phải làm việc nhiều khiến tim phải cung cấp một lượng máu nhiều hơn, dễ dẫn đến mệt mỏi. Mặt khác, một bữa ăn quá no cũng sẽ dễ gây chèn ép, làm tim hoạt động khó khăn hơn; dạ dày phình to sẽ chèn ép vào cơ hoành gây khó thở. Việc chia nhỏ bữa ăn còn giúp bạn có mức đường máu ổn định, giúp tim hoạt động được đều đặn hơn. 
 
Bạn cũng cần cung cấp một lượng muối thích hợp với mức huyết áp và chức năng của tim. Trước mắt, bạn chỉ nên ăn dưới 4g muối một ngày. Ngoài ra, bạn có thể sử dụng các sản phẩm từ sữa như sữa đậu nành để vừa cung cấp canxi và vừa là nguồn chất béo tốt cho sức khỏe của tim.
 
-Tôi rất thích dùng sữa đậu nành và cũng được biết là sữa đậu nành tốt cho tim mạch, tuy nhiên gần đây tôi e ngại về việc sản phẩm sữa pha từ bột hoặc đậu nành biến đổi gen. Sản phẩm của Vinasoy có đảm bảo an toàn về vấn đề này không? (Thùy Anh, 40 tuổi, Hà Nội)
 
- Ông Ngô Văn Tụ:
 
Chào bạn,
 
Tất cả sản phẩm Vinasoy được sản xuất từ 100% đậu nành hạt chọn lọc, không biến đổi gen (non-GMO) và có nguồn gốc xuất sứ rõ ràng. Công ty mua trong nước từ huyện Cư Jut, tỉnh Đắc Nông và nhập khẩu từ Công ty HDC (Canada).
 
Hiện tại, Vinasoy sử dụng công nghệ chế biến Tetra Awinsoy của Tập đoàn Tetra Pak Thụy Điển, giúp loại bỏ các chất không có lợi trong đậu nành như enzym lypsin gây đầy hơi và giữ được hầu như nguyên vẹn những chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. 
 
Ngoài ra, còn ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT, giúp loại bỏ hoàn toàn vi sinh vật trong sữa đậu nành mà không sử dụng chất bảo quản, giữ được hương vị thơm ngon trong vòng 6 tháng.  
 
- Thỉnh thoảng tôi cảm thấy tim đập rất nhanh, giống như khi hồi hộp, mặc dù lúc đó là đang ngồi nghỉ ngơi. Như vậy có nguy hiểm không? (Nguyễn Huy Hùng, 44 tuổi, 530 Lạc Long Quân.)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Tim đập rất nhanh có thể là bệnh lý nhưng cũng có thể chỉ là rối loạn chức năng của hệ thần kinh tim. Bạn cần đi khám chuyên khoa tim mạch để xác định có bệnh hay không. Nếu không có bệnh thì nên có chế độ luyện tập để hệ thần kinh thực vật của bạn được cân bằng và quả tim không bị tác động bởi các yếu tố ngoại cảnh như tiếng ồn, thay đổi nhiệt độ hoặc các cảm xúc bất thường gây cường giao cảm làm tăng nhịp tim. 
 
- Chào bác sĩ, em muốn hỏi bệnh tim có di truyền không? Nhà em có 3 người bác được chẩn đoán mắc bệnh hẹp mạch vành, xác suất em bị bệnh tim có cao không, và làm sao để phòng tránh ngoài tập thể dục và ăn uống điều độ. (HM, 25 tuổi)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Bệnh mạch vành có thể có yếu tố gia đình. Nếu bạn có 3 người bác bị hẹp mạch vành thì nên xem thêm các thành viên khác trong gia đình, kể cả bố bạn có các triệu chứng như đau ngực, khó thở khi gắng sức hay không để đi khám đề phòng các biến cố có thể xảy ra đột ngột trong bệnh này. 
 
- Xin cho hỏi, uống sữa đậu nành bao nhiêu hộp một ngày thì được? Phụ nữ sau tuổi 35 thì có nên dùng sữa đậu nành không? (Thảo, 35 tuổi, TP HCM)
 
- Ông Ngô Văn Tụ:
 
Theo khuyến nghị của Cục Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ (FDA), dùng 25g đạm đậu nành mỗi ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
 
Sữa đậu nành Vinasoy giàu đạm chứa 6,25g đạm trong mỗi hộp. Vì vậy, bạn nên sử dụng 2-3 hộp sữa đậu nành mỗi ngày, để cung cấp 50-75% nhu cầu đạm đậu nành cho tim theo khuyến nghịcủa FDA. Nguồn đạm đậu nành còn lại có thể bổ sung từ đậu hủ, tào phớ… cho bữa ăn thêm đa dạng.
 
Nếu ban đầu chưa quen, bạn có thể tập dần dần để đưa đậu nành vào khẩu phần ăn và nâng tần suất sử dụng lên.  
 
 
- Những bài tập vận động nào là tốt cho tim mà những người phụ nữ bận rộn có thể dễ áp dụng ngay cả khi làm việc nhà chăm con. Tôi có đi tập gym và được hướng dẫn các bài tập Cardio sẽ giúp tăng cường nhịp tim. Cho tôi hỏi các bài tập này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe tim không và có nên áp dụng thường xuyên không. (Vũ thị nhung, 36 tuổi, HCM)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Mọi luyện tập thể lực về cơ bản đều tốt cho sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tim mạch. Khoa học đã chứng minh các bài tập mang tính nhịp điệu đều rất tốt cho huyết áp, trái tim và điều hòa mỡ máu, đường máu. Các bài tập có nhịp điệu bao gồm đi bộ, chạy, đạp xe, nhảy dây, bơi, aerobic, cardio. Nên luyện tập thường xuyên để có nhịp tim tốt và sức khỏe tim mạch tốt.
 
Tất nhiên, bạn nên lượng sức mình để luyện tập và cần có ý kiến của bác sĩ nếu trước đó bạn có vấn đề về tim mạch.
 
- Cho em hỏi bệnh tim mạch có xảy ra với độ tuổi dưới 20 không ạ? Liệu chế độ ăn uống nhiều đậu nành có giúp ích cho tim mạch như các hãng sữa quảng cáo? Em cảm ơn! (Lê Hà Nhung, 18 tuổi, 45/34/2 Bình Hưng Hòa, Thủ Dầu Một Bình Dương)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Bệnh tim mạch có thể xảy ra với mọi độ tuổi. Hiện nay, ở nước ta, bệnh tim mạch đang có xu hướng trẻ hóa, những người ở độ tuổi dưới 20 vẫn có thể mắc. Chế độ ăn nhiều đậu nành giúp ích rất tốt cho sức khỏe tim mạch. 
 
Trước hết, đậu nành chứa lượng protein cao (34g trong 100g đậu nành), ngoài việc đáp ứng nhu cầu protein của cơ thể còn giúp làm tăng khối cơ, kiểm soát cân nặng và giảm huyết áp. Ngoài ra, protein trong đậu nành còn làm giảm cholesterol chuỗi nhẹ (cholesterol xấu - giảm 3% - 5%) và giảm ảnh hưởng của cholesterol. Vì vậy, nó có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành khoảng 10%.
 
Đậu nành còn giàu các axit béo không no cần thiết như omega 3 và 6 tốt cho sức khỏe tim mạch. Ngoài ra, các chất chống oxi hóa và chất hóa thực vật trong đậu nành có tác dụng làm giảm nguy cơ bệnh mạch vành bằng cách làm tăng kích cỡ hạt LDL (cholesterol chuỗi nhẹ), giảm oxy hóa LDL, giảm huyết áp, cải thiện chức năng màng trong của động mạch. 
 
Vì vậy, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã khuyến cáo lượng ăn vào cho một người trưởng thành nên đạt ở mức 25g protein đậu nành mỗi ngày . 
 
- Xin chào bác sĩ,
Tôi bị cao huyết áp hiện đã ổn định ở mức 105/74 đến 110/80. Tôi hay bị tê mặt khi vào phòng lạnh. Xin bác sĩ cho biết nguyên nhân và hiện tượng này có gì nghiêm trọng không ạ, cách chữa trị như thế nào?
Cảm ơn bác sĩ! (Lý Quốc Đan, 49 tuổi, 624/20 Kinh Dương Vương, quận Bình Tân, TP HCM)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Huyết áp ổn định là rất quan trọng. Khi chúng ta bị lạnh, các mạch máu thường co lại ở ngoài da làm da chúng ta tái đi và có thể tê. Do vậy, bạn nên cẩn thận khi thay đổi môi trường đột ngột vì ngoài cảm giác tê mặt và da tái, huyết áp của bạn có thể sẽ tăng cao cũng do nguyên nhân mạch máu co. 
 
- Kính thưa Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi, cháu có câu hỏi liên quan đến tim mạch như sau: "Theo cháu biết thuốc lá có tác hại đối với tim mạch và phổi, vậy bác cho cháu hỏi, nếu mỗi ngày cháu hút một điếu thuốc duy nhất, và ngày nào cũng vậy, nó có giống như tiêm vắc xin giúp tăng sức đề kháng của tim và phổi không ạ". Cháu rất mong nhận được câu trả lời của bác ạ. Cháu xin chân thành cảm ơn. (Nguyễn Minh Vũ, 28 tuổi, Sóc Trăng)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Rất vui là bạn ý thức được tác hại của thuốc lá đối với tim mạch, phổi và kể cả các cơ quan khác trong cơ thể. Do vậy, tốt nhất là hoàn toàn không hút thuốc lá kể cả hút một điếu với suy nghĩ "giống như tiêm vắc xin giúp tăng sức đề kháng".
 
- Tôi bị huyết áp cao (145/100) đang điều trị (coveram5mg/5mg; 1v/ngày) và duy trì HA (125/85). Xin các bác sĩ cho biết:
- Tôi chơi tennis có nguy hiểm gì không?
- Chế độ ăn uống thế nào để đảm bảo sức khỏe?
Xin cảm ơn các bác sĩ. (Nguyễn Mộng Hùng, 52 tuổi, 775 Giải Phóng - Hoàng Mai - Hà Nội)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Huyết áp 125/85 mmHg thực ra vẫn chưa phải tối ưu đối với người dưới 60 tuổi, nhất là con số huyết áp tâm trương 85 mmHg. Bạn nên tư vấn với bác sĩ điều trị để giảm thêm con số này xuống 70-75 mmHg. Bạn có thể chơi tennis nếu không bị đau ngực hoặc khó thở khi gắng sức.
 
- Xin hỏi chuyên gia là ở độ tuổi nào thì nên đi kiểm tra các bệnh lý tim mạch? (Trà Đặng, 32 tuổi, TP HCM)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Nếu bạn có các triệu chứng nghi ngờ thì nên kiểm tra bệnh lý tim mạch ở bất kỳ tuổi nào. Nếu bạn hoàn toàn khỏe mạnh thì trước tiên nên nghĩ đến các chế độ dinh dưỡng và luyện tập để phòng các bệnh tim mạch. Nên đi khám, kiểm tra ở lứa tuổi 40 đối với nam và 50 đối với nữ.
 
- Kinh gửi giáo sư, ba mẹ tôi năm nay 51 tuổi, hàng ngày đi bộ khoảng 45 phút mỗi chiều, như vậy là hợp lý chưa và nhờ các giáo sư tư vấn thêm giúp tôi. Xin cảm ơn! (Trúc, 26 tuổi)
 
- Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Doãn Lợi :
 
Nếu không có bệnh tim mạch và việc luyện tập đó không gây khó chịu gì cho ba mẹ bạn như mệt mỏi, đau khớp thì nên tiếp tục. Có thể khuyến cáo ba mẹ bạn đi bộ nhanh dần lên vì khoa học đã chứng minh luyện tập với cường độ cao có hiệu quả tốt hơn trong việc giảm huyết áp, giảm mỡ máu, giảm đường máu và tăng cường tưới máu cho cơ tim.
 
- Hiện nay, con tôi 5 tuổi nhưng nặng hơn 23kg, được các bác sĩ dinh dưỡng báo là bị béo phì. Tôi nghe nói rằng bé lúc nhỏ béo phì thì lớn cũng sẽ dễ béo phì và có những hệ lụy, trong đó có vấn đề về tim mạch. Xin các chuyên gia tư vấn những loại sữa có thể giúp bé hạn chế việc thừa cân nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng, phát triển thể chất cho bé. (Hoàng Dung, 36 tuổi, Quận 2, Tp.HCM)
 
- Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Bạch Mai :
 
Cân nặng trung bình của bé 5 tuổi là vào khoảng 18,3 kg. Như vậy, bé nhà bạn bị dư cân so với tuổi. Tuy nhiên, để đánh giá bé có bị béo phì hay không, bạn cần phải nói rõ chiều cao của bé. Nếu chiều cao của bé dưới 107cm là đã bị béo phì.
 
Khoảng 40% trẻ bị béo phì sẽ tiếp tục béo phì khi trưởng thành và kéo theo nhiều hệ lụy với sức khỏe như rối loạn chuyển hóa lipid máu, glucose máu, rất dễ mắc các bệnh mạn tính không lây như tim mạch, đái tháo đường... và có thể một số bệnh ung thư. Vì vậy, bạn cần giúp bé nhanh chóng thoát khỏi tình trạng béo phì bằng cách kiểm soát cân nặng và hỗ trợ tăng trưởng chiều cao.
 
Để kiểm soát cân nặng, bạn cần cho bé ăn chế độ dinh dưỡng đủ, cân đối, đặc biệt là hạn chế sử dụng các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao (GI). Đó là bánh mỳ trắng, bánh kẹo, nước ngọt, kem...; các thức ăn giàu năng lượng nhưng nghèo các vi chất dinh dưỡng, thức ăn chế biến sẵn, pizza, bim bim, chuối, quả ngọt... và các món xào, rán.
 
Bạn nên cho bé ăn cơm gạo lứt hoặc yến mạch để giúp bé kiểm soát cảm giác đói tốt hơn, chế độ ăn nhiều rau (nên chú ý ăn rau lá), lựa chọn các quả như thanh long, cam gọt vỏ, bưởi, ổi, kiwi... Bên cạnh đó, bạn cần chia nhỏ các bữa ăn của bé nhưng chú ý không tăng số lượng thức ăn. 
 
Bạn nên tiếp tục cho bé uống sữa vì sữa là nguồn cung cấp canxi tốt, giúp bé tăng trưởng chiều cao. Bạn cần chọn sữa không đường, sữa đậu nành cũng rất tốt cho bé để cung cấp các axit béo không no cần thiết, giúp bé phát triển trọng lượng não bộ trong giai đoạn cuối cùng này.
 
Để bù lại lượng chất béo phải hạn chế trong bữa ăn do cung cấp nhiều năng lượng, bạn nên cho bé ăn cá và hải sản, giảm bớt các loại thịt đỏ, da gà, vịt để giúp bé có thể nhận được đầy đủ axit béo không no cần thiết cho sự phát triển của não bộ.
 
Cuối cùng, bạn cần khuyến khích bé vận động để vừa giúp tiêu hao năng lượng, vừa giúp kích thích hooc-mon tăng trưởng. Ngoài ra, một giấc ngủ đủ và sâu cũng rất cần thiết để giúp bé phát triển chiều cao tốt hơn.
 
- Vinasoy và Viện Tim mạch Việt Nam sẽ tổ chức những chương trình nào hỗ trợ cho cộng đồng bị bệnh tim mạch trong thời gian tới? (Hà Minh Giang, 42 tuổi, Vĩnh Phúc)
 
- Ông Ngô Văn Tụ:
 
Trong khuôn khổ dự án "Trái tim khỏe cho ngày rộn ràng", chúng tôi sẽ hợp tác tổ chức nhiều chương trình tư vấn sức khỏe tim mạch trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mục đích nhằm cung cấp những thông tin phòng bệnh hữu ích đến cho cộng đồng.
 
Bên cạnh đó, hai bên sẽ hợp tác sản xuất ứng dụng sức khỏe tim mạch trên di động, giúp người dùng tự kiểm tra theo dõi hàng ngày và nhận tư vấn các giải pháp bảo vệ sức khỏe tim mạch từ chuyên gia. Dự kiến app sẽ ra mắt vào đầu năm 2018.